HỌ TRƯƠNG VIỆT NAM
CÔNG TRÌNH
TÌM NGUỒN GỐC NGÀI THỦY TỔ HỌ TRƯƠNG XÃ VĂN THÀNH, HUYỆN YÊN THÀNH,
TỈNH NGHỆ AN
Tác giả: Thạc sĩ Trương Văn Thái
Tôn trưởng ( tộc trưởng đời thứ 11)
ĐẶT VẤN ĐỀ
“ Cây có gốc mới nở cành xanh lá
Nước có nguồn mới bể cả sông sâu
Người ta nguồn gốc từ đâu
Có Tổ tiên trước rồi sau có mình”
( Ca dao)
( Ca dao)
Nhà thờ họ Trương ở xóm Yên Thịnh, xãVăn Thành, huyện Yên Thành
Đã bao đời nay, ông cha chúng ta ( họ Trương ở Văn Thành) không biết lai lịch, nguồn gốc Ngài Thủy tổ của mình. Mà chỉ biết rằng, theo gia phả, Ngài là Trương Văn Nghĩa, sinh năm Canh Tý 1660, mất năm Đinh Tỵ 1737 thọ 77 tuổi, vào thời kỳ chiến tranh Lê-Mạc (1533 – 1677); Ngài là một trong những vị chức sắc của Làng Trung và Làng Thượng xã Công Trung ( bia đá dựng năm Bảo Thái thứ hai, năm Tân Sửu 1721 đã ghi tên Ngài, hiện bia đá đặt tại nhà thờ ông Giang, xóm Đình xã Văn Thành và bản dịch chữ quốc ngữ do tác giả y sao để trong rương tư liệu họ ta). Gia phả còn ghi, Ngài giữ chức Tư vụ đình làng Thượng, đồng thời là người đứng ra triệu tập dân chúng lập nên làng Trung.
Hành trình tìm kiếm nguồn gốc ngài Thủy Tổ của Tôn trưởng,
Tộc trưởng Trương Văn Thái, hậu duệ đời thứ 11
Còn Ngài từ đâu đến? Ông bà, cha mẹ, anh em, và những bậc bề trên của Ngài là ai, ở đâu? Tổ tiên của Ngài hiện đang được thờ tự ở đâu trong hàng ngàn nhà thờ họ Trương trên đất Việt Nam này?
Những câu hỏi lớn đó cứ thôi thúc nhiều đời hậu duệ của Ngài, nhưng “ lực bất tòng tâm”, ông cha chúng ta không có điều kiện để thực hiện


Gian giữa Nhà thờ họ Trương ở Văn Thành với bức Đại tự“ Ái quốc mạc vong Tổ” (Yêu nước không quên Tiên Tổ)
Và công cuộc tìm kiếm bắt đầu…
NHỮNG CUỘC TÌM KIẾM MƠ HỒ, MÔNG LUNG, VÔ VỌNG
Những năm 1977 – 1983, khi đó tác giả còn là sinh viên, những cuộc tìm kiếm không có định hướng. Thư viện Hà Đông là nơi, hầu như tối nào tác giả cũng tìm đọc những cuốn sách nói về họ Trương; nhưng càng đọc, càng tìm càng rối; không thấy họ Trương mình nằm ở chỗ nào trong sách. Thất vọng với cách tìm trong sách vở, đành chuyển sang hướng khác là đi hỏi; nơi nào có họ Trương là hỏi.
Những cuộc tìm kiếm mơ hồ như thế kéo dài từ Bắc vào Nam trong quá trình công tác. Tất cả đều vô vọng, không có kết quả.
MANH NHA CÁCH TÌM KIẾM
Sau hơn 20 năm tìm kiếm không kết quả, vào khoảng năm 1999-2000, nhờ cách tìm thông qua gia phả của các dòng họ Trương, đã manh nha ra một cách làm, mà chính nó là tiền đề cho phương pháp tìm kiếm khoa học sau này. Một lần, tác giả lúc đang công tác ở huyện Tân Kỳ, Nghệ An, đã nhìn thấy trong một sơ đồ phả tộc họ Trương, có một ngài Trương Văn Nghĩa ( trùng tên với Ngài Thủy tổ họ ta). Mừng không tả xiết…nhưng không trúng. Bởi, cụ Nghĩa họ Trương này đến nay mới có 6 đời con cháu mà cụ Nghĩa họ Trương Văn ở Văn Thành đến nay đã 11 đời.
Sau hơn 20 năm tìm kiếm không kết quả, vào khoảng năm 1999-2000, nhờ cách tìm thông qua gia phả của các dòng họ Trương, đã manh nha ra một cách làm, mà chính nó là tiền đề cho phương pháp tìm kiếm khoa học sau này. Một lần, tác giả lúc đang công tác ở huyện Tân Kỳ, Nghệ An, đã nhìn thấy trong một sơ đồ phả tộc họ Trương, có một ngài Trương Văn Nghĩa ( trùng tên với Ngài Thủy tổ họ ta). Mừng không tả xiết…nhưng không trúng. Bởi, cụ Nghĩa họ Trương này đến nay mới có 6 đời con cháu mà cụ Nghĩa họ Trương Văn ở Văn Thành đến nay đã 11 đời.
Từ sự việc này đã lóe ra một cách làm khoa học, nó là điều căn cốt nhất, mà nhiều năm trời cứ luẩn quẩn, nghĩ không ra
CÁCH TÌM KIẾM KHOA HỌC
I . Phương pháp tìm kiếm khoa học
Từ khi tia sáng lóe ra, gợi mở cách làm, đến khi hoàn chỉnh một phương pháp cũng phải mất một thời gian mò mẫm khá lâu
1 .Về phương pháp luận
Bước 1: Tìm tên húy và niên đại
Tìm trong tộc phả các dòng họ Trương có Cụ Tổ tên là Nghĩa ( tên lót có thể thay đổi). Đối chiếu niên đại mà Cụ Nghĩa ở dòng họ Trương A ( bất kỳ nào đó) với niên đại Ngài Thủy tổ họ Trương ở Văn Thành ( cũng tên Nghĩa) có trùng nhau không
Bước 2. Tìm thông tin người đi
Nếu đã trùng niên đại, tiếp tục tìm trong họ Trương A với điều kiện, trong gia phả ghi không có mộ ở đâu, hoặc mộ không rõ ràng; đi đâu không rõ; không rõ con cháu. Tức là, có một Cụ Nghĩa ở dòng họ Trương A này , vì lý do nào đó đã ly quê, đến vùng khác, không ai biết ( hoặc chính xác nhất ghi rõ là đến vùng họ Trương ở Văn Thành).
Bước 3: Tìm thông tin người đến
Là các thông tin về Ngài Thủy tổ Trương Văn Nghĩa của họ Trương ở Văn Thành, càng nhiều thông tin thì độ chính xác càng cao, để liên kết phù hợp với thông tin người đi ( cụ Nghĩa ở họ Trương A)
Bước 4: Luận giải và kết nối
Dựa vào các yếu tố: lịch sử, địa lý, phong tục tập quán,… để luận giải, kết nối thông tin phù hợp giữa cụ Nghĩa ở họ Trương A và Ngài Thủy tổ Trương Văn Nghĩa của họ Trương ở Văn Thành. Bước này tìm được càng nhiều thông tin phù hợp thì tính chính xác càng cao, có thể tuyệt đôi
Nếu cả 4 bước trên đều thỏa mãn thì cụ Nghía ở họ Trương A, chính là Ngài Thủy tổ của họ Trương ở Văn Thành; họ Trương A chính là họ Trương ở Văn Thành. Con cháu chỉ việc chắp gia phả vào họ lớn từ đời cụ Nghĩa
Thế là ta đã tìm được họ lớn, nhà thờ họ lớn, các nhánh họ anh em, Ngài Thủy tổ họ lớn. Từ đây con cháu muôn đời đoàn tụ, thoát khỏi cảnh chia ly
2 .Thận trọng triển khai
Bám sát vào phương pháp luận để triển khai thực hiện một cách cẩn thận, kiên trì. Đây là việc làm hết sức hệ trọng, mỗi một giọt nhỏ thông tin lên quan về số liệu, tư liệu phải chắt lọc kỹ càng, công phu
Bước 1: Tìm tên húy và niên đại
Có một chi tiết kỳ diệu, như Tổ Tiên xui khiến.
Đó là cuộc gặp gỡ đầu xuân năm 2014 của các dòng họ Trương 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh tại nhà ông Trương Tấn Bông, Thị xã Cửa Lò, bàn về việc thành lập Hội đồng lâm thời họ Trương Nghệ - Tĩnh; Tác giả may mắn được bầu vào một trong 25 vị Ủy viên Ban chấp hành Hội đồng Lâm thời. Phát biểu tại buổi gặp mặt, tác giả nêu lên nguyện vọng thiết tha, khát khao cháy bỏng của mình là tìm được cội nguồn Tiên tổ, nhờ việc kết nối gia phả các dòng họ Trương. Nhiều cuộc họp Ban chấp hành Lâm thời đã diễn ra sau đó để bàn và giao nhiệm vụ cho từng vị Ủy viên . Cho đến một ngày, phép màu đã xẩy ra.
Trước khi diễn ra “Hội nghị chuẩn bị Đại hội họ Trương Nghệ - Tình lần thứ nhất” – 07/6/2014, tại Thành phố Vinh. Với nhiệm vụ được Hội đồng Lâm thời giao, là mời tất cả đại diện các dòng họ Trương, doanh nhân, con em có tâm huyết các dòng họ Trương tại Yên Thành về dự Hội nghị, Tác giả gặp được chú Trương Đăng Thư, con cháu họ Trương xã Xuân Thành, là người tâm huyết và biết nhiều về gia phả các chi họ.
Việc triển khai bước 1 rất hiện thực mà đượm màu tâm linh như sau:
Nhân việc mời dự Hội nghị, Tác giả trao đổi nguyện vọng của mình với chú Thư. Quá tình cờ và may mắn, họ Trương Đắc có một cụ Tổ có tên là Trương Đình Nghĩa, thường gọi là cụ nghè Nghĩa;
*. Theo gia phả họ Trương Đắc ở xã Quỳnh Nghĩa huyện Quỳnh Lưu, có các thông tin về niên đại liên quan đến cụ Nghĩa như sau:
- Ông nội là Trương Đắc Hiển ( Ô. Hiền Quận công) sinh năm 1627 mất 1670
thọ 43 tuổi
- Cha là Trương Đắc Long ( con trai thứ 2 Ô. Hiền Quận công) dự thi hương khóa Kỷ Hợi ( 1659) đỗ Tam nguyên
- Cụ Trương Đình Nghĩa ( Nguyễn Đình Nghĩa), con thứ 2 của cụ tổ Trương Đắc Long) đỗ Tiến sỹ năm Chính Hòa thứ 7 (1686). ( Gia phả họ Nguyễn Trương ở Xa Lang ghi khoa Bính Ngọ thời Lê Trung Hưng ( 1533 – 1789)
*. Theo gia phả chi họ Trương Xuân Thành, Yên Thành ( Thờ cụ Trương Đắc Thông, là chú ruột của cụ Trương Đình Nghĩa):
- Cụ tổ đời thứ tư ( tính từ ngang hàng cụ Nghĩa) là Tự Huệ Dung húy Thếch có Tổ tỷ là Nguyễn Thị Thành (1730 -1792)
*. Hậu duệ:
- Hiện nay (2014) Trưởng tộc họ Trương ở Xuân Thành là Trương Văn Hảo sinh năm 1963, tính từ đời cụ Trương Đình Nghĩa là đời thứ 10, con ông Hảo đời thứ 11
- Trưởng tộc họ Trương ( 2014) ở Quỳnh Nghĩa ( hậu duệ cụ Trương Đắc Danh anh ruột cụ Trương Đình Nghĩa), là ông Trương Đắc Mai sinh năm 1949, là đời thứ 10, các con của ông là đời thứ 11
- Ông Nguyễn Trương Tộ ( Tộc trưởng), sinh năm 1940 hậu duệ đời thứ 13 ở Hương Sơn Hà Tĩnh, tính từ cụ Trương Đình Nghĩa là đời thứ 12.
- Con trai cụ Nguyễn Trương Uông (coi nhà thờ họ hiện nay 2014) là Nguyễn Trương Chiến, tính từ đời cụ Trương Đình Nghĩa là đời thứ 11
Luận và so niên đại:
*. Theo gia phả họ Trương ở Văn Thành: Ngài Thủy tổ Trương Văn Nghĩa sinh năm 1660 so các mốc thời gian trên để tính thì:
- Đỗ Tiến Sỹ năm 26 tuổi ( hợp lý), theo gia phả họ Nguyễn Trương, Hương Sơn thì Ngài đột quỵ khi mới vinh quy. Nghĩa là, năm 26 bỏ về Nghệ An không ai biết. Ra Nghệ An, lấy vợ sinh con Trương Văn Thịnh năm 1690 ( theo gia phả họ Trương Văn, Văn Thành) , năm Ngài 30 tuổi ( hợp lý)
- Cha ( Trương Đắc Long) đỗ Tam nguyên 1659, sang năm sau 1660 sinh ra Ngài ( hợp lý)
- Ông nội ( cụ Hiền Quận công) có 6 người con, thọ 43 tuổi ( mất năm 1670 khi Ngài 10 tuổi), cha là con thứ 3, thì khoảng năm 1643 ( ông 16 tuổi sinh cha là Trương Đắc Long); năm 1660 ( cha 17 tuổi) sinh ra Ngài ( hợp lý vì thời đó xây dựng gia đình sớm)
- Cụ Tổ đời thứ tư họ ta ( ở Văn Thành) là Trương Văn Trâm ( 1744 – 1824) (Trùng khớp hoàn toàn về niên đại giữa con cháu của ông anh Trương Đắc Long và ông em ruột Trương Đắc Thông)
*. Hậu duệ
Trưởng tộc họ Trương ở Văn Thành hiện nay ( 2014) ( Ngài Thủy tổ là Trương Văn Nghĩa) là Trương Văn Thái, sinh năm 1959, Từ Ngài Trương Văn Nghĩa đến nay là 11 đời . Một sự trùng lặp tuyệt diệu về hậu duệ
Như vậy, về niên đại qua các mốc thời gian đã trùng khớp. Bước 1 hoàn toàn thỏa mãn
Bước 2: Tìm thông tin người đi
Việc tìm kiếm thông tin người đi cũng khá công phu. Tuy nhiên, phạm vi tìm kiếm ở bước này đã thu hẹp lại trong dòng họ Trương Đắc kết hợp với lịch sử nước Đại Việt ta vào thời kỳ đó, nhưng có rất nhiều tình tiết ly kỳ và thú vị như những trang tiểu thuyết lịch sử hấp dẫn, lôi cuốn người xem.
Chúng ta hãy bắt đầu từ ông nội của cụ Trương Đình Nghĩa ( theo gia phả họ Trương Đắc Quỳnh Lưu) là:
Ông Trương Đắc Hiển ( cụ Hiền Quận công) được phong chức Tán Trị Công Thần Đặc Tiến Phò Quốc Thượng Tướng Quân, Cẩm Y vệ, Đô chỉ huy sứ, kiêm cai đội thứ vệ sự, Hiền Trung Hầu tặng Hiền quận công tự Đắc Hiển húy Núi ( Tổng chỉ huy các quân đội danh dự và bảo vệ kinh đô). Ông có công lớn trong việc bảo vệ Triều đình, mất vào giờ Tuất, ngày 24 tháng 10 năm Canh Tuất (1670) thọ 43 tuồi. Được nhà Vua phong tước cụ Hiền Quận công và cho con cháu một món tiền lớn để dùng vào việc tế tự ( nhà thờ chi họ Trương ở Xuân Thành do Vua cho tiền để xây dựng). Mộ cụ Hiền Quận công đặt tại xã Xuân Thành, Yên Thành
Cụ Hiền Quận công kết duyên với cụ bà là Trương Thị Dung, sinh hạ được 6 người con, 5 trai, 1 gái:
1 . Trương Đắc Tuyển ra xã Quỳnh Liên
2 . Trương Thị Quế ( bà tổ cô không lấy chồng)
3 . Trương Đắc Long ( cha của cụ Trương Đình Nghĩa) cùng mẹ và vợ lánh nạn ở Xa Lang - Hương Sơn, Hà Tình
4 . Trương Đắc Thông cùng cha ( cụ Hiền Quận công) và vợ con ẩn dật ở Xuân Thành,Yên Thành, nơi “ rừng su rú rậm”)
5 . Trương Đắc Cung ( chạy nạn sang Hưng Đạo, Hưng Nguyên)
6 . Trương Đắc Tùng ( lánh lên Nghĩa Thuận, Nghĩa Đàn)
Thuở ấy, nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê, Hiền quận công cùng vợ và 4 con trai là Đắc Long, Đắc Thông , Đắc Cung và Đắc Tùng khởi binh trảo Mạc, đóng quân ở làng Lâm La, Quỳ Châu. Về sau Hiền quận công thua trận. Nhà Mạc ( gia phả họ Nguyễn Trương ở Hương Sơn ghi là nghịch đảng) cho quân tầm nã ráo riết, cha con mỗi người tản đi mỗi ngã. Sự ly tán bắt đầu từ đây, mà con cháu đời nay vẫn đang tìm kiếm để kết nối anh em. Có thể nói đây là bước ngoặt lịch sử bi hùng của họ Trương ta
Khu mộ cụ Trương Đắc Long tại Xa Lang đã đổi thành họ Nguyễn Trương
Trương Đắc Long cùng vợ là Đào Thị Tư rút vào Xa Lang ( nay là xóm 3, xã Sơn Tân và Sơn Mỹ) huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh, để tránh sự truy lùng, cụ đã đổi họ Trương thành họ Nguyễn ( nay là họ Nguyễn Trương) và dạy học để sinh sống. Hai cụ sinh hạ được 3 người con trai:
1. Trương Đắc Danh giao lại cho Bác Đắc Tuyển nuôi
2. Trương Đình Nghĩa ( Nguyễn Đình Nghĩa), cụ nghè Nghĩa
3. Trương Đình Biện ( Nguyễn Đình Biện)
Hậu duệ cụ Trương Đắc Danh ở Quỳnh Lưu, hiện nay là ông Trương Đắc Mai chi trưởng, Cụ Tổ Trương Đình Biện ở lại sinh con cháu đến nay (2014) đến nay đã phát triển đến đời thứ 15 và đổi thành họ Nguyễn Trương, nhà thờ tại thôn Trung Thượng xã Sơn Mỹ , huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh, Trưởng tộc là Nguyễn Trương Tộ
Cụ Trương Đình Nghĩa đỗ Tiến sỹ năm 1686 ( gia phả họ Nguyễn Trương, Hương Sơn ghi khoa Bính Ngọ thời Lê Trung Hưng (1533 – 1789), Ngài đậu đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân). Gia phả này ghi rằng “ Ngài mất đột ngột khi mới vinh quy” ( có lẽ Cụ lánh nạn nên người ghi gia phả phỏng đoán hoặc cố tình chép trệch để tránh sự truy đuồi); và còn ghi thêm là “ Mọi tài sản, giấy tờ… thuộc về Ngài đều chuyển lên Bảo Thịnh (xã Sơn Bình), nên họ ta không biết gì thêm”. Cũng theo bản gia phả này thì Ngài có hai con gái ( có thể là 2 con trai cụ mang ra Yên Thành là Trương Văn Dượng và Trương Văn Thịnh) nhưng cũng không ghi tên là gì, sinh, tử ngày tháng năm nào,…Về phần mộ cũng không rõ ràng, chỉ nghe nói Lăng của Ngài là một vùng cây cối rậm rạp, bên trong có 3 ngôi mộ cổ, một của Ngài, một của Đức bà ( Vợ của cụ không ghi tên là gì, sinh tử ngày tháng năm nào) và một của con gái, không biết mộ nào là của ai. Ngoài ra, còn có thông tin truyền miệng rằng, Ngài bị hổ bắt, người nhà lần theo dấu chân hổ thấy một giọt máu rồi đắp lên thành mộ của Ngài.
Chú Nguyễn Trương Tuấn còn cung cấp thêm một chi tiết trong Gia phả họ Nguyễn Trương rằng: ở xóm Trung, gần xóm Thượng ngay cạnh nhà thờ, người ta nói có mấy thửa ruộng của người họ Nguyễn Trương ở liền nhau, rộng độ 6,7 sào. Dưới đất có nhiều dấu vết gạch ngói. Cho nên có thể đặt nghi vấn rằng đây là nền đất cũ nhà cụ Tiến Sĩ Nguyễn Đình Nghĩa (thưở trước người đỗ đạt tiến sĩ được chỉ đất dựng nhà làm vườn). Sau vì lí do nào đó mà nhà cửa bị phá đi. Có thể đây là phần lưu ý mà các cụ ghi lại trong gia phả để nhắc nhở con cháu. Chú Tuấn còn cho biết thêm: “Trong gia phả có ghi rằng, người đời đồn đoán cụ bị hổ vồ. Đây là lời đồn khá vô căn cứ. Rất có thể sau khi cụ đỗ tiến sĩ, kẻ thù năm xưa đã lần theo dấu vết để tìm đến. Để bảo toàn tính mạng cụ đã ẩn thân đi ra Nghệ An, con cháu phải ghi là cụ mất đột ngột để xóa dấu vết. Tất cả đều bí ẩn về sự mất tích của Ngài. Họ Nguyễn Trương đã lập miếu thờ và rước bài vị Ngài về nhà thờ. Cụ Trương Đình Nghĩatrong gia phả họ Nguyễn Trương chỉ ghi đến đó. Đây là chi tiết cực kỳ quan trọng thỏa mãn điều kiện của bước 2 trong phương pháp luận
Bước 3. Tìm thông tin người đến
Ngài Thủy tổ họ Trương Văn ở xóm Yên Thịnh,Văn Thành, Yên Thành là:
Cụ Trương Văn Nghĩa, trong gia phả không ghi từ đâu đến, không biết cha mẹ, ông bà trở lên là ai, ở đâu, chi biết rằng Ngài sinh năm Canh Tý 1660, có tố chất thông minh, có danh tiếng, con của Ngài “ văn chương đức hạnh phủ huyện trì danh”, Ngài giữ chức tư vụ đình làng Thượng và triệu tập dân chúng lập nên làng Trung.
Trong bia đá của làng, hiện còn đặt tại nhà thờ ông Giang xóm Đình, dựng năm Bảo Thái thứ 2, năm Tân Sửu 1721 có ghi tên ông như phần đặt vấn đề đã viết. Như vậy, B1 ,B2, B3 hoàn toàn trùng khớp, thỏa mãn với phương pháp luận. Tức là, cụ Trương Đình Nghĩa có các thông tin hoàn toàn trùng khớp với cụ Trương Văn Nghĩa
Bước 4: Luận giải và kết nối
1. Ông nội của cụ Trương Đình Nghĩa là cụ Hiền Quận Công và chú ruột là Trương Đắc Thông sống ở Xuân Thành, Yên Thành và mất ở đó ( hiện mộ cụ Hiền Quận công tại Thu Đâu, mộ cụ Trương Đắc Thông ở cồn Đá mọc xã Xuân Thành).
2. Anh Trai cụ Trương Đình Nghĩa là cụ Trương Đắc Danh ở Quỳnh Lưu Nghệ An với bác ruột Trương Đắc Tuyển
Vậy khả năng cụ Trương Đình Nghĩa trở về Yên Thành ( do kẻ thù năm xưa truy đuổi sau khi cụ đỗ Tiến sỹ) với ông nội và chú ruột là gần như chắc chắn
3 . Quẻ bói của họ Trương ở xóm Yên Thịnh, Văn Thành lập năm Bảo Thái thứ 5, năm Canh Ngọ 1930 có đoạn mở đầu:
3 . Quẻ bói của họ Trương ở xóm Yên Thịnh, Văn Thành lập năm Bảo Thái thứ 5, năm Canh Ngọ 1930 có đoạn mở đầu:
Trương tộc tổ tích tha phương
Hỏi ra mới biết Nghĩa Đường Yên Tâm (1)
Kể từ lưu lạc nghìn năm
Thất truyền gia phả ai tìm cho ra
Trương Kiên ( hoặc Công) thượng tổ lâu xa (2)
Rồi sau sinh hạ ai mà biết đâu
Thượng hương Trương Nghĩa là đầu
Khắc vào bia đá bấy lâu danh truyền (3)
( 1)Theo gia phả họ Trương Đắc Quỳnh Lưu, như ở bước 2 đã viết, Ông nội của cụ Trương Đình Nghĩa cùng 4 người con lên vùng núi Quỳ Châu để khởi binh trảo Mạc, Yên Tâmlà một tên làng của Quỳ Châu ( trùng khớp với quẻ bói của họ Trương ở Văn Thành)
(2) Họ Trương ở xã Diễn Kỷ là họ Trương Công; họ Trương Đắc ở Quỳnh Nghĩa ( là Tổ tiên cụ Trương Đình Nghĩa) và họ Trương Công ở Diễn Kỷ đã đi lại nhận anh em, nhưng chưa làm lễ chính thức, có lẽ đang thu thập thêm một số thông tin cho đầy đủ ( ông Tổ họ Trương Đắc ở Quỳnh Nghĩa là hậu duệ đời thứ 5 của ông Tổ họ Trương Công ở Diễn Kỷ - Trùng khớp với quẻ bói của họ Trương ở Văn Thành)
(3) Bia đáhiện còn tại nhà thờ ông Giang xóm Đình ( Yên Thịnh) tên ba ông họ Trương: Trương Văn Nghĩa ( cha) và Trương Văn Dượng (không rõ) , Trương Văn Thịnh ( con)
Như vậy, Cụ Trương Đình Nghĩa và Ngài Thủy tổ Trương Văn Nghĩa của họ Trương ở xóm Yên Thịnh, Văn Thành có rất nhiều chi tiết trùng lặp.
Các thông tin liên kết giữa cụ Trương Đình Nghĩa và cụ Trương Văn Nghĩa được mô tả qua sơ đồ mô phỏng kết nối sau đây:
Sơ đồ mô phỏng sự hợp nhất cụ Tổ Trương Đình Nghĩa và cụ Tổ Trương Văn Nghĩa
( Lưu ý: Trong sơ đồ chỉ thể hiện Chi trưởng, các Chi khác xin phép được ẩn cho dễ đọc)
II. Ứng nghiệm Tâm linh:
Ngày mồng một tháng sáu năm 2014, trước khi đi dâng hương ở nhà thờ họ lớn ở Quỳnh Nghĩa và Diễn Kỷ, Tác giả ( là Tôn trưởng, Tộc trưởng đời thứ 11), sau khi có kết quả tìm kiếm khoa học và công phu, đã biện lễ dâng hương và khất âm dương với lời thỉnh cầu:
“ Vạn vạn lạy Tổ Tiên, chư vị thần linh, sau nhiều năm tìm kiếm, đến nay con cháu đã tìm ra cội nguồn Ngài Thủy tổ Trương Văn Nghĩa là con cụ Tổ Trương Đắc Long xã Sơn Tân và Sơn Mỹ, Hương Sơn, Hà Tĩnh và cháu cụ Trương Đắc Hiển ( cụ Hiền Quận Công) là họ Trương Đắc ở xã Quỳnh Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu. Đúng sai thế nào ơn nhờ Tiên Tổ, chư vị Thần linh báo qua ba Đài khất âm dương sau đây:
Dạ, con xin đệ nhất đài: 1 dương, 1 âm, dạ
Dạ, con xin đệ nhị: đài 2 âm, dạ
Dạ, con xin đệ tam đài: 1 dương 1 âm, dạ Xin đội ơn Tiên Tổ”
Tổ tiên, chư vị thần linh đã cho đã cho:
26 © © © © © © | Tốt | Thánh thần sáng lắm người ơi Thành tâm kính lễ trên thời biết cho Xuân qua, Thu tới hen hò Trăm hoa đua nở chẳng lo nghèo nàn |
Lời trong quẻ là lời Tiên Tổ, Thần linh:
“ Xuân qua, Thu tới hẹn hò
Trăm hoa đua nở chẳng lo nghèo nàn”
Dạ, cảm ơn Tiên tổ, Thánh thần đã cho cuộc đoàn tụ “ trăm hoa đua nở”, sau hàng trăm năm thất lạc “ thu qua, xuân tới”
Hành lễ xin quẻ âm dương
tại Nhà thờ họ Nguyễn Trương nhân ngày Tế Tổ
tại Nhà thờ họ Nguyễn Trương nhân ngày Tế Tổ
Tại lễ giỗ Tổ họ Nguyễn Trương, rằm tháng sáu năm 2014, tác giả xin họ tộc thỉnh cầu phán xét của Tiên tổ, chư vị thần linh tại nhà thờ họ Nguyễn Trương, Hương Sơn, Hà Tĩnh về kết quả công cuộc tìm kiếm, qua quẻ âm dương ( chú Trương Đắc Thư hành lễ)
Tổ tiên, Chư vị Thần linh đã cho một quẻ tuyệt vời - “ âm dương hòa hợp”
KẾT LUẬN
Cuộc tìm kiếm xuất xứ Ngài Thủy tổ họ Trương ở Văn Thành kéo dài 34 năm ( 1977 – 2014), qua nhiều giai đoạn thăng trầm của cuộc đời tác giả. Chỉ còn một chi tiết băn khoăn, mà có lẽ không biết đến đời nào mới tìm ra được. Đó là, gia phả họ Nguyễn Trương ở Hương Sơn không đủ căn cứ chứng minh là Cụ Trương Đình Nghĩa đã chết ở Hà Tĩnh ( không có ngày giỗ, không có mộ rõ ràng, vợ con, chỉ theo lời kể, cũng không có tên tuổi, ngày mất); gia phả cũng không ghi là cụ đã đi đâu, đi thời gian nào (có lẽ để giữ bí mật tránh sự truy đuổi)…? Gia phả họ Trương Văn ở Văn Thành không ghi cụ Trương Văn Nghĩa từ đâu đến, ông bà, cha mẹ, anh em là ai ( cũng để giữ bí mật tránh sự theo dõi của bọn nghịch đảng kẻ thù năm xưa từng bị con cháu cụ Hiền quận công đánh bại)? Chỉ khi nào tìm được trong hàng ngàn gia phả họ Trương Việt Nam có ghi rõ ràng, “Cụ Tổ Trương Văn Nghĩa đến làng Thượng, xã Công Trung, Đông Thành, phủ Diễn Châu”. ( có lẽ không đời nào tìm được lời ghi ấy) Các chi tiết khác đều trùng khớp như công trình tìm kiếm này. Khi đó, kết quả tìm kiếm mới là chính xác tuyệt đối 100%. Điều đó có xẩy ra không? Rất khó.
Tuy nhiên, trong công cuộc tìm kiếm này, thông tin về các mốc thời gian, các niên đại, các sự kiện lịch sử, các phong tục tập quán, các phép nội suy khoa học,.. và các yếu tố tâm linh đã hoàn toàn trùng khớp giữa Cụ Tổ Trương Đình Nghĩa ở Hương Sơn và Cụ Tổ Trương Văn Nghĩa ở Yên Thành.
Mong rằng, các bậc cao niên cùng con cháu ở các dòng họ Trương Đắc, Nguyễn Trương và Trương Văn hãy vì sự biết ơn Tiên Tổ, vì sự đoàn tụ và phát triển của các thế hệ đời sau, hãy nghiên cứu kỹ công trình này, cung cấp cho tác giả những thông tin liên quan và những tư liệu quý báu để bổ sung, sớm đưa công trình này vào thực hiện, thỏa lòng mong mỏi của con cháu hàng chục đời nay thất lạc nguồn cội Tổ Tiên. Mọi thông tin xin được liên hệ với: Trương Văn Thái, xóm Yên Thịnh, xã Văn Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An. Điện thoại 0912.999.105. Email; truongthaiyt@gmail.com
Cháu Trương Thanh Bình, Tôn trưởng hậu duệ đời thứ 12, xúc động phát biểu cảm tưởng về sự kiện tìm được nguồn gốc Ngài thủy tổ tại Đại hội họ Trương Nghệ Tĩnh lần thứ nhất
Xúc động biết bao, phấn khởi biết bao khi tìm được nguồn cội Tổ tiên mình!
Rưng rưng thương cảm khi biết Tổ tiên mình vì bị nghịch đảng truy đuổi do phò Vua, bảo Quốc mà phải phiêu bạt, lánh nạn khắp nơi; ông bà, cha mẹ, anh em mỗi người một nơi: bà nội theo cha Ngài là Trương Đắc Long và em là Trương Đình Biện sinh sống Hương Sơn, Hà Tình núi sông cách trở, nay mộ vẫn còn; ông nội theo chú Ngài là Trương Đắc Thông về Xuân Thành, Yên Thành, nơi “ rừng su rú rậm”, mộ vẫn còn đó; anh cả là Trương Đắc Danh ở lại quê nhà gửi Bác chăm sóc; Ngài lại ra làng Thượng ( nay là xóm Yên Thịnh), xã Công Trung ( nay là xã Văn Thành), huyện Đông Thành ( nay là huyện Yên Thành) để sinh cơ, lập nghiệp; chú bác người ở Hưng Đạo, Hưng Nguyên; người ở lại Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Lưu; người lên Nghĩa Thuận, Nghĩa Đàn lánh nạn; mỗi nơi bây giờ đều có một nhà thờ họ; phải đổi họ, thay tên để thoát chết, thật là cám cảnh, thương tâm. Thế nhưng, nhờ tư chất thông minh, đức hạnh cao quý, con cháu ngày nay lại được sum vầy.
Thế là từ nay trên Ngài Thủy tổ họ Trương ở Yên Thịnh, Văn Thành, đã có cha mẹ, ông bà, cố can,… Tiên tổ; dưới Ngài có anh em, con cháu, chắt muôn đời phát triển
Từ nay con cháu, chắt… không mặc cảm với thiên hạ về sự cô đơn của dòng tộc, họ Trương xóm Yên Thịnh, Văn Thành, từ nay là một họ đã tìm được anh em, kết nối từ Yên Thành, Quỳnh Lưu, Hà Tĩnh, Quảng Bình và sẽ còn tiếp tục được kết nối đến mọi miền đất nước nhờ phúc ấm Tổ tiên, nhờ Hội đồng Trương tộc Việt Nam, Nghệ An – Hà Tĩnh và các khu vực khác.
Trong công cuộc tìm kiếm lịch sử này, trước hết nhờ ơn Tiên Tổ đã mách bảo qua các yếu tố Tâm linh; Tác giả cũng vô cùng cảm ơn sự giúp đỡ của chú Trương Đăng Thư ( hậu duệ đời thứ 11 của cụ Trương Đắc Thông, người chú ruột cụ Trương Đình Nghĩa), họ Trương ở Xuân Thành; chú Nguyễn Trương Tuấn ( hậu duệ đời thứ 11 của cụ Trương Đình Biện, người em ruột cụ Trương Đình Nghĩa) họ Trương ở Xa Lang ( nay là họ Nguyễn Trương ở Hương Sơn, Hà Tĩnh) đã cung cấp nhiều tư liệu quý báu. Mong rằng tác giả sẽ còn nhận được nhiều thông tin giá trị lớn về Ngài Thủy tổ qua các bậc cao niên và con cháu dòng họ Trương.
Con cháu về sau có thể bổ sung các thông tin để công trình này càng thêm hoàn thiện
Kính phụng
Nhận xét này đã bị tác giả xóa.
Trả lờiXóaĐiều mà Ông Nội & Cha mong mỏi cuối cùng đã thực hiện được, mong cho con cháu sau này sum vầy, quần tụ & sống hạnh phúc đời đời!
Trả lờiXóaMột công trình công phu, kiên trì nhưng đầy hứng thú, thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" và "Nhân sinh do Tổ"
Trả lờiXóa