VỀ MẤY CÂU ĐỐI CỔ ĐẶC SẮC Ở NHÀ THỜ HỌ TRƯƠNG CÔNG (ĐÔNG SƠN – ĐÔ LƯƠNG)
---
Nhà thờ họ Trương Công ở xã Đông Sơn huyện Đô Lương được dựng vào khoảng cuối đời Gia long, đầu Minh Mạng.
Đến năm 2009, Nhà thờ được xây dựng lại trên khuôn viên mới khoáng đạt hơn và với quy mô to lớn, đẹp đẽ hơn.
Trải bao năm tháng thăng trầm, nhà thờ đã nhiều lần hư hỏng phải sửa chữa, tôn tạo. Điều hết sức quý là những câu đối cổ có từ thời nhà thờ được dựng vẫn còn giữ lại được. Và, qua những câu đối này, con cháu ngày nay được rõ về gốc gác của họ mình và nhất là hiểu thấu được tính cách của Tổ Tiên xưa để lại, giữ lại cho các thế hệ sau này của dòng họ.
Với suy nghĩ đó, xin được phép có đôi lời về một số câu đối này với mong muốn cung cấp thêm các thông tin với các tộc họ Trương ở Nghệ Tĩnh, rộng hơn là với cả nước, qua đó có thể tìm ra mối liên hệ nào đó chăng.
Có hai câu đối nói rõ nơi phát tích của dòng họ.
Câu thứ nhất:
Thanh hà thác tích lưu nguyên viễn
Thắng địa khai cơ đống vũ tân
Tạm dịch nghĩa:
Thanh hà là nơi gửi lại dấu tích và nguồn gốc xưa cũ
Thắng cảnh (nơi đây) đã khai cơ lập nghiệp mới.
Câu thứ hai:
Thanh hà phát mạch dĩ lai minh chú dã viễn
Nhẫn điến phân chi tự khứ kế tự kỳ hoàng
Tạm dịch nghĩa:
Thanh hà phát mạch mang nguồn sáng đổ đến nơi xa này
Cây đậu chia cành tự đi, kế tục theo thứ tự mà lớn lên
Xin được lưu ý thêm rằng: Một số tộc họ Trương ở Đô Lương, Diễn Châu, Cửa Lò, Nghi Xuân (Hà Tĩnh) cũng có gốc tích từ Thanh hà (quận). Không biết có nhà thờ tộc họ nào có câu đối na ná như hai câu đối ở trên không?
Có hai câu đối chỉ rõ tính cách (hay khí phách) mà dòng họ có và các bậc tiên tổ muốn các thế hệ sau phải kế thừa, lưu giữ, phát huy.
Câu thứ nhất:
Trác nhĩ chiêm tại tiền hốt tại hậu
Kiên hồ ma bất lấn niết bất viên
Tạm dịch nghĩa:
Nhìn trước ngó sau vẫn cao hơn người tầm thường
Cứng rắn thay, mài dũa không thể mòn, trộn (bùn) nhuộm vẫn không đen
Và xin được bình rằng:
Mỗi cháu con cũng như cả dòng họ phải luôn không chịu thua kém bất cứ ai, phải biết tự tôn, tự trọng, phải có ý chí mạnh mẽ, phải có bản lĩnh vững vàng để không bao giờ khuát phục trước mọi thử thách của cuộc đời, để có bị mài cũng không mòn, có bị nhuộm dưới bùn vẫn không đen. Đến đây, ta có thể nhắc điều được coi là đạo lý cốt cách của người Việt Nam ta được thể hiện ở câu ca dao:
Trong đầm gì đẹp bằng sen…
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”
Câu thứ hai:
Trung thiên nhi lập, vọng định bàng điểm
Trì ký siêu lai, xác thủ bất mai
Tạm dịch nghĩa:
Đứng giữa trời mà ngắm tìm, để xác định cho mình một điểm tựa
Nắm giữ chân xác và ghi nhớ sâu xa
Lại xin được bình thêm rằng:
Mỗi con người, mỗi nhà, mỗi dòng họ phải xác định cho mình, tìm cho mình một điểm tựa đúng đắn, vững chắc, một điểm tựa để từ đó mà bật lên, mà toả ra, mà đi tới, mà tận dụng được vận hội, mà vượt qua được thách thức của sự sống, của cuộc đời. Để tìm được điểm tựa như thế, phải có tầm nhìn sâu, tầm nhìn cao rộng, nên phải đứng giữa trời chứ không chỉ đứng trên mặt đất. Nói theo ngôn ngữ ngày nay thì để có điểm tựa phải từ tầm nhìn chiến lược! Và, khi đã tìm được điểm tựa đó rồi thì dù phong ba, bão táp, dù có bao thách thức, bao sự cám dỗ, bao uy vũ đe doạ… cũng đứng vững trên điểm tựa ấy, cũng kiên định, trước sau như một, không bao giờ được giao động, không bao giờ được rời bỏ.
Những gì mà tiên tổ căn dặn qua những chữ ở câu đối này là sâu sắc biết bao!
Các thế hệ sau này ít (hoặc không được) học chữ Hán – mà các câu đối xưa (cổ) đều được viết bằng chữ Hán – Do đó, mỗi khi đến nhà thờ thì không đọc được, và càng không hiểu được nội dung, ý tứ sâu xa của các câu đối mà tổ tiên để lại. Vậy nên, qua bài viết này, hy vọng các tộc họ cần phiên âm, dịch nghĩa các câu đối trong nhà thờ để con cháu đọc được, nhớ được và nhất là hiểu thấu đáo những di sản tư tưởng tinh thần mà các bậc tiền nhân muốn giữ lại, muốn các thế hệ mai sau lưu giữ và phát huy.
Trương Công Anh
Bài viết ngắn, sâu sắc, ý nghĩa giáo dục và kết nối cao
Trả lờiXóa